Đầu tư chứng khoán: Chỉ gan lì mới đem lại thành tích vượt trội, tất bật lướt sóng chẳng ăn thua


Nhưng vì sao chúng ta lại không thể giữ được một cổ phiếu đủ lâu?

Nhưng vì sao chúng ta lại không thể giữ được một cổ phiếu đủ lâu?


Nhìn bảng dưới đây, bạn có thể thấy hơn 90% tài sản của Warren Buffett đến từ sau 60 tuổi.



Đây là bài học lớn nhất mà những nhà đầu tư như chúng ta có thể rút ra từ Buffett trong suốt 50 năm điều hành tại Berkshire. Trong suốt thời gian đó, Berkshire đã thực sự làm giàu cho cổ đông của mình với tốc độ hàng năm đạt 21,6%. Thành tích này thậm chí còn “kinh ngạc” hơn khi xem xét khoản đầu tư dồn tích trong 50 năm. Bài học rút ra từ đây là đó chính là sức mạnh của “t” – time - thời gian. Đó là biến quan trọng nhất trong công thức lãi kép.

Tuy nhiên để “lãi kép" có thể phát huy tác dụng thì bạn cần phải nắm giữ cổ phiếu một thời gian đủ lâu. Warren bắt đầu mua cổ phiếu Coca-Cola vào năm 1988. Đến năm 1995 nắm 100 triệu cổ phiếu Coca-Cola, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD và đến năm 2014 số cổ phiếu đã tăng lên mức 400 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 15 tỷ USD tính theo giá thị trường.

Tại Việt Nam, nếu bạn mua 1.000 cổ phiếu VNM vào ngày lên sàn (19/1/2006) tại mức giá 53.500 đồng/cp thì số tiền bạn bỏ ra là 53 triệu đồng. Từ đó đến nay VNM đã chia cổ tức 21 lần, chia tách 5 lần. Giá trị vốn hoá thời điểm 2006 là 8.427 tỷ đồng, thì đến nay vốn hoá của VVNM đã đạt hơn 208.995 tỷ đồng, gấp 24,8 lần, tương đương giá trị thị trường số cổ phiếu của bạn là 1,3 tỷ đồng (chưa kể 21 lần tiền cổ tức tiền mặt được trả).

Không riêng gì VNM, TTCK Việt Nam chứng kiến không ít cổ phiếu tăng giá hàng chục lần và vẫn tiếp tục đi tìm những đỉnh mới như VCS, BMP, PTB, SKG, HPG, HSG…

Ai cũng biết là sức mạnh của lãi kép, và việc nắm giữ lâu dài những cổ phiếu tốt, có triển vọng trong một thời gian dài sẽ đem lại hiệu suất sinh lời khủng khiếp, nó khác biệt với việc bạn …đánh đấm túi bụi nhưng chục năm lăn lội, tất bật, đau đầu trên thị trường vẫn chỉ có hoà vốn, lỗ hoặc buộc phải rời bỏ thị trường.

Nhưng vì sao chúng ta lại không thể giữ được một cổ phiếu đủ lâu?

Điều đầu tiên chính là do sự biến động của TTCK. TTCK biến động không ngừng, đi cùng sự tham lam và sợ hãi của nhà đầu tư. Sự biến động ngắn hạn của thị trường làm nhà đầu tư lung lay và phải bán các cổ phiếu của mình để phòng vệ cho tài khoản, hay khi thị trường tăng quá nóng, nhà đầu tư sợ mất lãi phải chốt non.

Thứ hai, chọn cổ phiếu đã khó, giữ cổ phiếu càng khó hơn.

Các cổ phiếu thường có 80% thời gian tích luỹ và 20% thời gian tăng giá, do vậy đa số nhà đầu tư đều muốn “đón lõng” chực chờ cổ phiếu bùng nổ đà tăng để tối ưu hoá chi phí cơ hội thay vì phải nằm chờ cổ phiếu của mình tích luỹ đi ngang, ví dụ như PTB vùng giá 4x đã phải lình xình mất 9 tháng, chịu sao nổi khi nhìn sang những cổ phiếu như FLC sóng sánh vô biên.

Thứ ba, không đánh giá được triển vọng phát triển dài hạn của ngành và doanh nghiệp.

Những cổ phiếu triển vọng để nắm giữ dài hạn là cổ phiếu của các doanh nghiệp có thị trường đủ lớn để tăng trưởng trong 10-20 năm tới. Để đánh giá được điều đó, cần dựa trên các yếu tố về gia tăng về mặt dân số, xu hướng tiêu dùng của con người, những nhu cầu lớn nào vẫn chưa được đáp ứng…

Không chỉ vậy, chúng ta còn phải đánh giá được chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ban lãnh đạo, các nguồn lực của doanh nghiệp để chọn ra doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nghề kinh doanh đó.

Lấy ví dụ, 10 năm trước điện thoại là thứ xa xỉ, nhưng bây giờ thì nó quá phố biến. Và từ năm 2014 khi cổ phiếu MWG lên sàn, với sự gia tăng mạnh hệ thống bán hàng của mình, mô hình kinh doanh hiệu quả của mình, vốn hoá thị trường MWG liên tục tăng chóng mặt.

Nói tóm lại, chọn được cổ phiếu tốt chưa hẳn đã giàu, chỉ có kiên trì nắm giữ cổ phiếu mới có được những thành tích vượt trội.

Giá cổ phiếu biến động là sự thử thách đối với niềm tin và sự kiên nhẫn của hầu hết nhà đầu tư. Cổ phiếu muốn đi lên được bắt buộc phải trải qua sự điều chỉnh, đó chính là quá trình đào thải những người nhìn ngắn thay bằng những người nhìn dài, hay nói cách khác đào thải những người không có niềm tin vào doanh nghiệp bằng những người có niềm tin vào doanh nghiệp

Nhận xét