TT thăm Mỹ 29-31/5/2017


Thủ tướng thăm Mỹ: Chuyến thăm để định vị các chính sách


Ông Murray Hiebert, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington đưa ra những đánh giá về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


9 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước lại đón chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Hoa Kỳ. Ông đánh giá thế nào về yếu tố thời điểm của chuyến thăm? Ở chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể kỳ vọng gì?

Đây là thời điểm rất phù hợp vì chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra khá sớm khi chính quyền mới tại Hoa Kỳ bắt đầu điều hành đất nước. Ông cũng là lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Mỹ.

Hai bên có thể trao đổi với nhau để làm rõ hơn về các chính sách về châu Á -Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Donald Trump hướng tới.

Chuyến thăm diễn ra sớm sẽ giúp các nhà lãnh đạo mới của cả Hoa Kỳ và Việt Nam có cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau, giúp Việt Nam xác định rõ chính sách thương mại của Mỹ đối với châu Á sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP cũng như xác định chính sách về các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chuyến thăm này cũng tạo cơ hội để xác định tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Hoa Kỳ.

- Tổng thống Donald Trump muốn rời bỏ TPP, nhưng bỏ ngỏ khả năng tìm kiếm những hiệp định thương mại song phương. Cũng đã có những vận động về việc thiết lập một hiệp định thương mại song phương mới giữa Mỹ và Việt Nam. Ông nghĩ sao về một khuôn khổ thoả thuận hợp tác thương mại rộng lớn cho 2 nước mới hơn Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ký năm 2000?

Chúng tôi không biết nhiều về quyết sách trong quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP.

Tôi cho rằng sẽ tốn thời gian để hai bên đàm phán về một hiệp định thương mại song phương mới.


- Thành quả hợp tác trong 22 năm bình thường hoá quan hệ 2 nước là nền tảng đảm bảo cho những lợi ích của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam và ngược lại. Theo ông, hai nhà lãnh đạo có thể tận dụng cơ hội này để làm rõ những điểm nhấn lợi ích quan hệ 2 bên ra sao trong những năm tới?

Tôi không rõ, nhưng chắc chắn điều này là tốt đẹp. Đến thời điểm này, rất khó hình dung ra những ưu tiên của chính quyền mới Hoa Kỳ với Đông Nam Á.

Những gì chúng ta chứng kiến là sự vận động từng bước. Ví dụ chuyến thăm Jakarta của Phó Tổng thống Mike Pence, những cuộc điện đàm của ông Trump với các lãnh đạo Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore.

Nhưng hiện vẫn rất khó phân tích chiến lược của chính quyền mới với châu Á.

- Việt Nam đang là chủ nhà APEC 2017, diễn đàn đa phương về kinh tế kết nối hai châu lục lớn nhất hiện nay. Chính quyền của Tổng thống Trump rất chú trọng quan hệ kinh tế thực chất với các nền kinh tế. Theo ông, ông Trump có thể kết nối các nền kinh tế khu vực khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng tháng 11 tới?

Tôi cho là như vậy nếu Tổng thống Donald Trump tham dự thượng đỉnh APEC, và các trợ lý của ông đã khẳng định ông sẽ tham dự.

Đây sẽ là bước đi đầu tiên rất tốt trong việc kết nối và hiểu rõ các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng Washington cũng cần phát triển một chiến lược tổng thể để liên kết với kinh tế khu vực.

Nhận xét